Ngày đăng 24/12/2019 | 12:00 AM

Phát triển quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam - LB Nga

(BXD) Gần 70 năm trôi qua, tình hình thế giới cũng như nước Nga có những biến động lớn, nhưng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây) cũng như LB Nga ngày nay không ngừng được củng cố, phát triển.


Việt Nam - LB Nga thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ.

Hai nước đã và đang tìm các giải pháp thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có khoa học và công nghệ (KH và CN) lên một bước phát triển mới.

Mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, KH và CN giữa Liên Xô (trước đây) và LB Nga hiện nay với Việt Nam đã có từ năm 1954 kể từ sau khi nước ta kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, mối quan hệ này ngày càng khăng khít trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cũng như sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Liên Xô (trước đây) và LB Nga ngày nay đã đào tạo giúp Việt Nam hơn 50 nghìn cán bộ thuộc các ngành nghề khác nhau, trong đó có hàng nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học (TSKH).

Đáng chú ý trong đó có mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với các trường đại học của LB Nga. Không ít nhà khoa học, cán bộ quản lý của ĐHQGHN như: GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu; GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo; GS, Viện sĩ Đào Trọng Thi; GS Nguyễn Tài Cẩn và nhiều cán bộ cốt cán khác... từng được đào tạo từ các trường đại học của Liên Xô (trước đây). Hàng chục năm qua, ĐHQGHN đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều trường đại học lớn của LB Nga như Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow mang tên M.V.Lomonosov, Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, Đại học Năng lượng Moscow, Đại học Khí tượng thủy văn LB Nga, Đại học Tổng hợp khu vực Viễn đông...

Cùng với các hoạt động về trao đổi cán bộ, giảng viên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHQGHN cũng chú trọng phát triển hợp tác với các đối tác Nga trong nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ hàng không - vũ trụ. Viện liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna (thường gọi là Viện Dubna) là một tổ chức nghiên cứu khoa học liên chính phủ mà Việt Nam là một trong 18 thành viên chính, kể từ khi nước ta ký Công ước sáng lập viện này vào năm 1956. Hơn 60 năm qua, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 300 lượt nhà khoa học Việt Nam sang học tập và làm việc tại Viện Dubna, tiêu biểu là cố GS Nguyễn Đình Tứ (tác giả chính) với công trình “Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sima âm” (còn gọi là phản hạt sima âm) đã gây tiếng vang trong giới khoa học quốc tế đầu những năm 60 của thế kỷ 20...

Từ năm 2015 đến nay, theo GS Lê Hồng Khiêm, nguyên Viện trưởng Vật lý (đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna) thì Việt Nam thường xuyên có từ 15 đến 20 người được chọn cử sang học tập và nghiên cứu ở Viện Dubna. Không dừng lại ở việc tham gia các đề tài nghiên cứu chung, ba năm trở lại đây, bước đầu Việt Nam cũng đang xây dựng các đề tài, dự án riêng như đề tài sử dụng cây rêu để nghiên cứu ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn ở Việt Nam của GS Lê Hồng Khiêm, đề tài nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng cho phi công vũ trụ của GS Nguyễn Văn Long. GS Khiêm cho biết, là thành viên chính thức cho nên hằng năm Việt Nam phải đóng niên liễm cho Viện Đúp-na (như năm 2019 là 860 nghìn USD). Bởi vậy, Việt Nam cần có chính sách phù hợp đưa cán bộ đầu đàn các ngành khoa học sang Viện Dubna làm việc, xây dựng được các đề tài, dự án nghiên cứu độc lập nhằm tranh thủ lợi thế về các loại trang thiết bị hiện đại ở đây.

Cách đây 5 năm, trong đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), có hàng trăm người được đào tạo từ các “lò” của Liên Xô (trước đây) và LB Nga ngày nay. Theo GS, viện sĩ Châu Văn Minh (Chủ tịch VAST), một số đơn vị nghiên cứu của VAST đã có quan hệ truyền thống với các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng của Nga, nhất là với Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAS), Viện Dubna, Quỹ nghiên cứu cơ bản Nga...

Sau khoảng 50 năm hợp tác, bên cạnh việc trao đổi các đoàn cấp cao, gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ; giữa VAST và các đối tác của LB Nga đã thực hiện nhiều chương trình, dự án song phương trong nghiên cứu các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sinh thái và tài nguyên sinh vật, khoa học - công nghệ biển. Những năm qua, các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và LB Nga đã hợp tác thực hiện hơn 150 đề tài, dự án khác nhau với khoảng 200 bài báo khoa học được công bố chung trên các tạp chí quốc tế có uy tín (trong đó hơn 50% là của đội ngũ cán bộ thuộc VAST). Đặc biệt, cuối tháng 6-2017, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại LB Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại Moscow, GS Chủ tịch VAST Châu Văn Minh đã ký “Chương trình hợp tác trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ giữa VAST và Tập đoàn ROSCOSMOS giai đoạn 2017 - 2022” vì sự phát triển và mục đích hòa bình...

Sau hơn 30 năm thành lập (1987) và phát triển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã triển khai và thực hiện khá nhiều đề tài, dự án KH và CN theo ba hướng chính: Độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới và y sinh học nhiệt đới. Đội ngũ cán bộ khoa học hai bên đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động của khí hậu nhiệt đới đến tình trạng vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, đề xuất các phương pháp bảo vệ và phương pháp khai thác thích hợp; từ đó tiến hành các nghiên cứu chế tạo vật liệu và phương tiện bảo quản chống ăn mòn trong môi trường nhiệt đới ở nước ta. Hơn 20 năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cũng đã triển khai nghiên cứu trên hầu hết các hệ sinh thái điển hình của Việt Nam, nhằm góp phần khẳng định sự đa dạng sinh học; phương pháp quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý sinh thái và tài nguyên sinh vật ở nước ta...

Trong không khí các hoạt động “Năm Việt Nam tại Nga và năm Nga tại Việt Nam”, nhân sự kiện 25 năm (1994 - 2019) ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - LB Nga và hướng tới kỷ niệm 70 năm (1950 - 2020) hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, các tổ chức KH và CN của Việt Nam như VAST, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội... đã và đang phối hợp các đối tác phía bạn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học khác nhau. Trong đó, Khóa họp lần thứ hai Ủy ban hợp tác về Giáo dục, KH và CN Việt Nam - LB Nga; Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - LB Nga lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, cũng như Hội thảo quốc tế “Phương pháp nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga trong giai đoạn mới” được tổ chức tại Hà Nội gần đây là những minh chứng sinh động.

Các nhóm nghiên cứu của LB Nga và Việt Nam cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề tài Nghị định thư và nhiệm vụ khoa học mà hai bên cùng quan tâm. Trong đó đáng chú ý là sự phối hợp giữa một số nhóm nghiên cứu mạnh của VAST và RAS về đa dạng sinh học biển của Việt Nam trên tàu “Viện sĩ Oparin” (giai đoạn 2018 - 2025) cũng như giữa VAST với Viện Đúp-na về vật lý, toán học, vật liệu mới… một cách có hiệu quả, với mong muốn làm khởi sắc hơn mối quan hệ hợp tác về KH và CN Việt Nam - LB Nga.


Theo Nhân dân điện tử

Theo Nhân dân điện tử

Tin có liên quan

Loading ...