Ngày đăng 24/12/2019 | 12:00 AM

Biến cát biển thành cát xây dựng: Giải nhất sáng tạo khoa học

(BXD) Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Phan Thành đã chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thiết bị sàng rửa cát nhiễm mặn và phân loại cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng.

Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Phan Thành (Cần Thơ) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thiết bị sàng rửa cát nhiễm mặn và phân loại cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo TCVN 7570:2006.


Ông Võ Tấn Dũng - Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Phan Thành (thứ 2 từ trái sang)
nhận giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 10, năm 2018-2019. 

Hiện nay thực trạng khan hiếm cát xây dựng khiến các công trình xây dựng bị dang dở, đình trệ, bên cạnh đó, chất lượng cát sử dụng còn lẫn nhiều tạp chất dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng. Để giải nhiệt “cơn sốt” này, tác giả Võ Tấn Dũng - Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Phan Thành (Cần Thơ) đã nghiên cứu chế tạo và ứng dụng thành công giải pháp “Công nghệ tuyên rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006. Giải pháp này nhằm giải quyết nhu cầu cát xây dựng trên thị trường nội địa và xuất khẩu, khắc phục tình trạng pha trộn cát mịn nước ngọt với cát biển.

Cát biển nhiễm mặn khai thác từ mỏ về (phương tiện sà lan hoặc khu vực tập kết) sử dụng máy bơm hút qua đường ống thép hoặc nhựa chịu áp lực cao truyền tới cụm thiết bị. Điểm sáng tạo của công nghệ là bóc tách muối ion clo- bám trong hạt cát, cát nhiễm mặn và cát biển sau khi xử lý đạt mức cho phép sử dụng cát đối với bê tông dùng trong các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước và bê tông thông thường. Qua thiết bị sàng lọc rửa cát sẽ loại bỏ bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và những thành phần không phù hợp chứa trong cát. Loại bỏ gần hết các vỏ sò chứa trong cát và các tạp chất gây ảnh hưởng cho bê-tông và vữa xây tô.


Dây chuyền công nghệ chế biến cát biển thành cát xây dựng.

Trải qua 7 công đoạn, hệ thống thiết bị xử lý cho ra sản phẩm cát sạch xây dựng là loại cát sạch vô cơ và tỉ lệ bụi, bùn bèn, sét còn lại không quá 0,8% (nếu cát lấy từ lòng sông, suối, đồi núi, biển thì tỉ lệ bụi, bùn, sét, hữu cơ là không ổn đinh, thường là khoảng lớn hơn 6%); cát nhiễm mặn, cát biển sau khi xử lý cho ra cát sạch với muối ion clo- < 0,05%. Cát sạch thành phẩm được xử lý bởi thiết bị có nhiều đặc điểm vượt trội như phân cỡ modul cát để có sản phẩm cát to phục vụ cho bê tông hoặc cát mịn phục vụ cho xây tô với các loại cát (cát sạch xây dựng, cát mịn sạch và cát mịn san lấp). Bê tông và vữa xây tô sử dụng cát sạch đã qua sàng rửa không hút ẩm, không thấm, công trình không bị rong rêu, mốc, rạn nứt.

Việc ứng dụng thiết bị sàng lọc rửa cát nhiễm mặn, cát biển từ nguồn tài nguyên cát tự nhiên tại chổ để xử lý chế biến cát sạch đạt tiêu chuẩn cung cấp tại địa phương tiết kiệm chi phí vận chuyển từ 80.000 đến 250.000 đồng/m3 cát.

Đặc biệt toàn bộ giải pháp được thực hiện theo nguyên tắc cơ lý bởi tốc độ dòng chảy của cát và nước ngọt để xử lý không sử dụng hóa chất nên đảm bảo an toàn về mặt môi trường.

Ngoài ra khi xây một công trình, tất cả các vật liệu xây dựng đều phải  sản xuất từ tài nguyên thiên nhiên. Công trình sử dụng cát sạch không qua rửa thì tuổi thọ một vài chục năm, trong khi sử dụng cát sạch đạt tiêu chuẩn xây dựng có thể cả 100 năm. Một lần xây dựng công trình là tốn tài nguyên thiên nhiên mà chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn thì nguồn tài nguyên tiêu hao nhiều hơn.

Với tính sáng tạo và mang lại hiểu quả cao này, giải pháp “Công nghệ tuyên rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng đạt tiêu chuẩn TCVN 7570 : 2006” đã xuất sắc đoạt giải nhất ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 10, năm 2018-2019.

Đây là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thiết bị sàng rửa cát nhiễm mặn và phân loại cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo TCVN 7570:2006.

Hiện công nghệ đã được hợp tác và áp dụng chính thức ở các doanh nghiệp thương mại xây dựng, gia công xử lý tại Long An, TP.HCM, Quảng Ninh, Phú Quốc.

Sáng 20-12, Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 10, năm 2018-2019 đã tổng kết và trao giải cho 36 giải pháp xuất sắc.  Hội thi lần này có 75 giải pháp tham dự. Các giải pháp dự thi tập trung vào 6 lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, công nghiệp, nông nghiệp tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục...

Chung cuộc, giải nhất được trao cho ba tác giả gồm ông Võ Tấn Dũng - Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Phan Thành với giải pháp  “Công nghệ tuyên rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006; tác giả Nguyễn Vương Tường Vân – Vườn ươm công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc với giải pháp Sản xuất sữa gạo lứt hoàn toàn tự nhiên ứng dụng Emzyme thủy phân tinh bột và tác giả Lê Hữu Tại (khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) với giải pháp máy lắc tiểu cầu tại giường.


Theo plo.vn

Theo plo.vn

Tin có liên quan

Loading ...