Dự án được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tương đương ISO 10160:2015 Information and documentation - Open Systems Interconnection - Interlibrary Loan Application Service Definition. Việc xây dựng Tiêu chuẩn này xuất phát từ nhu cầu thực tế, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó "kết nối", "liên kết" thông tin dữ liệu đang là yếu tố chủ đạo, trở thành các giải pháp nhằm kết nối các hệ thống thông tin phục vụ cho chính phủ điện tử và phục vụ cho các hệ thống phân tích thông tin tự động... Trong hoạt động thư viện, mượn liên thư viện là một dịch vụ quan trọng đối với người sử dụng thư viện cũng như đối với mỗi cơ quan thông tin - thư viện ở Việt Nam khi mà điều kiện nguồn kinh phí cho công tác bổ sung tài liệu còn hạn hẹp và cần tăng cường khả năng khai thác các nguồn tài liệu sẵn có. Dịch vụ mượn liên thư viện, liên thông dữ liệu giữa các thư viện, giữa thư viện với các hệ thống thông tin khác ở Việt Nam còn rất ít và hạn chế, do chưa thống nhất cách hiểu, chưa có quy định cụ thể và tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện dịch vụ này.
Tại cuộc họp, bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc TVQG, Chủ nhiệm Dự án đã giới thiệu tổng quan Dự án và nêu rõ mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng thống nhất cách hiểu, cách xác định các dịch vụ ứng dụng mượn liên thư viện để liên kết các hệ thống mở, ứng dụng cho các phần mềm quản lý thông tin, các hệ thống xử lý thông tin, áp dụng tại các trung tâm thông tin, thư viện, doanh nghiệp ở Việt Nam, đảm bảo liên thông dữ liệu. Đồng thời cho rằng, việc áp dụng TCVN này sẽ góp phần giảm chi phí bổ sung tài liệu, tránh đầu tư trùng lặp, đáp ứng yêu cầu khai thác nguồn tài liệu của bạn đọc một cách nhanh chóng, thuận tiện, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả phục vụ người sử dụng tại các cơ quan thông tin - thư viện.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự cuộc họp đã đánh giá cao cách thức triển khai Dự án, phương thức làm việc khoa học, những lợi ích mà Dự án mang lại trong hoạt động thông tin - thư viện, trong công tác quản lý, xây dựng thư viện điện tử, đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội... Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung về các vấn đề: Việt hóa câu chữ sau khi chuyển ngữ để dễ hiểu và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Tên của Tiêu chuẩn; Tài liệu viện dẫn, tài liệu tham khảo sẽ được công bố trong quá trình biên soạn Tiêu chuẩn Việt Nam… Đây là cơ sở để Ban Biên soạn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo và Thuyết minh Tiêu chuẩn quốc gia “Thông tin và tư liệu - Liên kết hệ thống mở - Xác định dịch vụ ứng dụng mượn liên thư viện”.
Dự án được thực hiện trong thời gian 2 năm 2020-2021 và dự kiến hoàn thành, công bố vào cuối năm 2021.
Nhóm chuyên gia tư vấn và các thành viên Ban Biên soạn Dự án xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia