Ngày đăng 08/09/2017 | 12:00 AM

Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý cho Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng”

(BXD) Ngày 8/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến góp ý cho Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng” (viết tắt là Đề án) với sự tham dự của đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Công an, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện Sở Xây dựng TP. Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Hồ Ch

Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì hội thảo

Theo Báo cáo tại hội thảo, từ năm 1996 đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành hệ thống quy chuẩn (QC) tương đối đầy đủ (gồm 15 QCVN và 3 tập Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phát hành năm 1996 - 1997). Ngoài ra, các Bộ chuyên ngành khác đã ban hành 28 QC quốc gia có liên quan đến các hoạt động xây dựng. Các QC này vừa là công cụ để thực hiện công tác quy hoạch, thiết kế công trình, vừa là quy định pháp luật để các cơ quan chuyên môn về xây dựng quản lý chất lượng công trình.

Tuy nhiên, hệ thống QC, TC ngành Xây dựng hiện nay còn tồn tại những bất không ít bất cập, hạn chế: Đa số các QC của Việt Nam hướng đến một đối tượng, một loại công trình cụ thể; nhiều hoạt động xây dựng và loại hình công trình cần được quản lý chặt chẽ nhưng lại chưa có QC kỹ thuật tương ứng (ví dụ: QC về các công trình giao thông, QC về các công trình thủy lợi, QC về quy hoạch không gian ngầm đô thị, QC về nhà ở và công trình công cộng...); một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn Việt Nam do được chuyển dịch từ tài liệu nước ngoài; một số quy định chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng tiên tiến đang áp dụng ở nước ta.

Về hệ thống tiêu chuẩn (TC), hiện nay Việt Nam có hơn 1.200 TC quốc gia trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm cả giao thông và thủy lợi. Tuy nhiên, hệ thống TC của Việt Nam vẫn chưa phủ kín các lĩnh vực xây dựng (còn thiếu những TC về vật liệu mới, phương pháp thử kết cấu liên hợp, kết cấu nhôm, nhà cao tầng trên 75m, các TC về kiểm định, bảo trì...). Ngoài ra, trong khi các nước có các bộ tài liệu hướng dẫn TC, sổ tay thiết kế rất đồ sộ thì Việt Nam có rất ít các tài liệu tương tự, làm giảm khả năng hiểu và vận dụng đúng các TC trong lĩnh vực xây dựng. Các TC chuyển dịch từ Liên Xô (cũ) và Nga (còn khá nhiều trong hệ thống TCVN) thường gặp vấn đề về công nghệ lạc hậu, thiếu kết nối với các phần mềm hiện đại hỗ trợ thiết kế, thi công (BIM, các phần mềm tính toán kết cấu...). Hệ thống TC có tính cập nhật chưa cao, nguyên nhân do TC Việt Nam phải đi sau các TC nước ngoài vì Việt Nam ít khả năng tự làm TC, mất nhiều thời gian để ban hành, nhiều TC đã qua 15 - 20 năm chưa được soát xét....

Mục tiêu của Đề án đến năm 2021 nhằm hoàn thành quy hoạch hệ thống TC, QC ngành Xây dựng bao gồm: 1.800 - 2.000 TC, 20 - 30 QC quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, linh hoạt, hài hòa giữa các hệ TC chuyên ngành; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát huy sáng tạo, đổi mới công nghệ khi tuân thủ QC kỹ thuật; nâng cao hội nhập khu vực và quốc tế; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chống thất thoát lãng phí; các Bộ chuyên ngành chủ động ban hành TC, QC cho các công trình chuyên ngành theo quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các vấn đề còn lạc hậu, bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống TC, QC xây dựng hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Việt Nam; Nhà nước đầu tư xây dựng và công bố các TC, QC cho ngành Xây dựng; đổi mới công tác biên soạn, bắt đầu chuyển giao quyền xây dựng và phát hành TC xây dựng cho các hội nghề nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ; Nhà nước quản lý và công bố danh mục các loại TC quốc gia, TC cơ sở và TC nước ngoài sử dụng cho các công trình xây dựng tại Việt Nam; 100% TC, QC xây dựng đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước được đăng tải đầy đủ nội dung công khai sau khi ban hành để phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, áp dụng.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2030: Hệ thống QC kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, tinh gọn, mang tính nguyên tắc, dễ áp dụng để thúc đẩy kỹ thuật, công nghệ xây dựng trong nước phát triển; dễ dàng hội nhập và đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường xây dựng trong nước, khu vực và quốc tế; Nhà nước chỉ ban hành QC kỹ thuật bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng; các tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ chịu trách nhiệm xây dựng và công bố TC; Nhà nước quản lý danh mục các loại TC quốc gia, TC cơ sở và TC nước ngoài sử dụng cho các công trình xây dựng tại Việt Nam và có thẩm quyền dừng sử dụng bất cứ tiêu chuẩn nào nếu không đảm bảo các yêu cầu về quản lý nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống QC, TC trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khảo sát địa chất, thi công công trình, chất lượng các cấu kiện sử dụng trong công trình, bảo trì công trình cũng như đối với sự an toàn của công trình xây dựng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, việc xây dựng hệ thống TC, QC trong lĩnh vực xây dựng được Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai Đề án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng trên toàn quốc. Hệ thống TC, QC trong lĩnh vực xây dựng, ngoài những TC, QC do Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền, còn có các TC, QC do các Bộ chuyên ngành khác ban hành liên quan đến hoạt động xây dựng.

Tại hội thảo, đại diện các Bộ, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh và các đại biểu đã tiến hành thảo luận sôi nổi về các nội dung của Đề án. Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, dự thảo Đề án nên đưa ra con số kinh phí cụ thể để thực hiện Đề án. Số kinh phí này cần có dự toán kèm theo. Vì thực tế nhiều đề án đã được phê duyệt, nhưng thiếu kinh phí triển khai. Do đó, việc xác định cụ thể, chi tiết dự toán cho Đề án là việc quan trọng mang tính bắt buộc. Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn góp ý, Đề án cần chú trọng đặc biệt đến tính đồng bộ, liên thông của hệ thống TC, QC, chỉ dẫn kỹ thuật. Bên cạnh những TC, QC phục vụ công tác khảo sát thiết kế, triển khai thi công, cần chú trọng đến các TC, QC quy định về khai thác, kiểm định, đánh giá, bảo trì nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng công trình ở cả giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và sau đầu tư đối với kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cảm ơn các đại biểu đã tham dự và góp ý cho Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng và cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý được tổng hợp từ hội thảo để nhanh chóng hoàn thiện Đề án.

 


Trần Đình Hà 

Trần Đình Hà

Tin có liên quan

Loading ...