Với việc Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác cấp cao tham dự COP28, Việt Nam sẽ thể hiện vị thế tích cực, chủ động và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP28 diễn ra tại City Dubai, UAE, từ 30/11 đến 12/12/2023
Bên cạnh đó, chuyến công tác cũng tái khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UAE, Thổ Nhĩ Kỳ; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.
Có thể khẳng định, Việt Nam luôn tham gia tích cực trong các cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các hành đồng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ngay sau COP26 kết thúc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan đã tích cực, trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.
Đến nay, nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai thực hiện: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG; Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP tại Việt Nam.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Bộ TN&MT đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0". Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.
Nói về COP28, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành cho biết, COP28 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là Hội nghị đầu tiên toàn thế giới thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu (Global Stocktake), bên cạnh đó các quốc gia sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung chính khác gồm: giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu, các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Đây là hội nghị của hành động vì khí hậu và Việt Nam kỳ vọng Hội nghị COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó biến đối khí hậu. Trong đó có việc thống nhất thông qua hướng dẫn thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris để làm cơ sở cho các quốc gia triển khai cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon gắn với việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Trong khuôn khổ COP28, Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu sẽ diễn ra vào hai ngày từ 1-2/12/2023 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam sẽ góp phần vào thành công của COP28 và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Song Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ là kinh nghiệm cho các nước khác và những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Đây cũng là sự quan tâm của các đối tác tại COP28.
Việt Nam tham dự Hội nghị COP28 với quan điểm là ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Sự quan tâm dành cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phải như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Tại COP28, Việt Nam sẽ có Phòng sự kiện để giới thiệu về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ diễn ra Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.
COP28 với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua một năm kỷ lục về nhiệt độ và những cam kết về khí hậu hiện nay là không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu. Trong số những quyết định quan trọng phải đưa ra ở Dubai là liệu các quốc gia có sẵn sàng loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch và thay thế chúng bằng các nguồn nhiên liệu tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió hay không.
Trong sự phát triển của nhân loại, vai trò của năng lượng hóa thạch nói chung và than đá nói riêng rất quan trọng. Than đá, dầu mỏ, khí đốt là nguồn cung năng lượng chủ yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên năng lượng hóa thạch cũng bị xem là "thủ phạm" chính tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu. Trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ liên quan vấn đề này, Cơ quan năng lượng quốc tế hồi tuần này đã đưa ra quan điểm mạnh mẽ khi hối thúc ngành công nghiệp nhiên liệu hoá thạch phải quyết định giữa việc làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng khí hậu hay chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Quan điểm không nhận được sự đồng tình của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo tổ chức này, mọi quyết định đều phải tính đến những vấn đề như an ninh năng lượng, tiếp cận năng lượng hay khả năng chi trả năng lượng. COP28 là cơ hội để thế giới cùng hợp tác, thảo luận để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Trước hội nghị, Liên minh châu Âu, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã nhất trí tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ thoả thuận này. Nhiều nước cũng hi vọng thỏa thuận khí hậu đạt được mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo đà cho các cuộc đàm phán. Hai trong số các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới đã đồng ý tăng cường năng lượng tái tạo và đẩy nhanh việc thay thế than, dầu và khí đốt.
Trần Hà