Người dân huyện Khánh Sơn thường xuyên thiếu nước sạch sinh hoạt.
94% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới tăng dân số cơ học làm cho nhu cầu nước sạch tăng đột biến. Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu vực nông thôn, miền núi chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, một số khu dân cư chưa được kéo đường ống đến nơi nên người dân chưa được sử dụng nguồn nước sạch. Đồng thời, vẫn còn 6% dân cư nông thôn chưa sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhất là các khu dân cư có quy mô nhỏ, phân tán. Các công trình nước sạch thiếu vốn chưa được đầu tư bài bản nên nhiều nơi, người dân vẫn phải dùng nước sông, suối, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường và là nguồn lây nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo công bố của Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá NS-VSMTNT năm 2015 và cập nhật năm 2016, toàn tỉnh có 97 công trình cấp nước tập trung và hơn 85.000 công trình nhỏ lẻ khác; 93,1% dân số nông thôn sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 36,7% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn 02 của Bộ Y tế.
Năm 2017, Trung tâm NS-VSMTNT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị, địa phương bàn giao hệ thống xử lý nước cho 2 trường học tại Khánh Phú và Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh). Đồng thời, đưa vào sử dụng hàng loạt công trình nước sạch: hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Suối Tiên; hệ thống cấp nước 2 thôn Tân Lập và Văn Thủy II, xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm); sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa); hệ thống cấp nước xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Liên Sang (Khánh Vĩnh), góp phần đưa tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2017 đạt 94%.
Theo ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT, hiện nay, đơn vị đang quản lý 3 công trình cấp nước sạch là: Diên Sơn - Diên Điền, công suất 2.400m3/ngày đêm; Diên Đồng 800m3/ngày đêm; Diên Phước - Diên Lạc - Diên Thọ - Diên Hòa 1.450m3/ngày đêm. Hiện nay, đang triển khai thi công 2 công trình khác là: Diên Lộc - Diên Bình - Diên Hòa (1.500m3/ngày đêm) và Diên Xuân - Diên Lâm (1.200m3/ngày đêm). Các công trình đã đưa vào hoạt động đều phát huy tác dụng, người dân tích cực tham gia bảo vệ đường ống, thực hiện tốt việc chi trả dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, các công trình đang gặp khó khăn vì thiếu vốn, nhà thầu phải ứng vốn trước để thi công.
Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa cũng cho biết, sau khi nhận bàn giao công trình từ Trung tâm NS-VSMTNT năm 2014, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp mạng tuyến ống phân phối. Nhờ thế, số hộ sử dụng nước tăng lên hơn 2 lần. Tuy nhiên, đơn vị cũng đang gặp khó khăn vì thiếu vốn để đầu tư phát triển.
Tăng cường xã hội hóa nguồn vốn
Theo Phê duyệt Quy hoạch cấp NS-VSMTNT tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% dân số nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế…; đến năm 2035, toàn tỉnh có 90% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế…
Theo quy hoạch, để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 cần nguồn kinh phí khá lớn (hơn 2.020 tỷ đồng), do vậy cần phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: lồng ghép vốn ngân sách nhà nước từ các chương trình dự án liên quan trên địa bàn, vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, vốn tín dụng, vốn dân đóng góp. Đồng thời phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, huy động sự tham gia của cộng đồng…*Theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư NS-VSMTNT từ nay đến năm 2035 là 2.020 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020: 647 tỷ đồng; 2021 - 2025: 435 tỷ đồng; 2026 - 2035: 938 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách 440 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 851 tỷ đồng; vốn nhân dân 646 tỷ đồng; vốn khác 83 tỷ đồng.Cũng theo quy hoạch, trong các mục tiêu về cấp nước nông thôn đến năm 2025 và các năm tiếp theo, cần đặc biệt coi trọng mục tiêu tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nguồn nước đảm bảo chất lượng được kiểm soát thường xuyên theo quy định của Bộ Y tế. Giải pháp cần làm là nâng cấp quy mô, công suất của các hệ thống cấp nước, sử dụng nguồn nước thô từ công trình thủy lợi, sông suối lắp đặt tuyến ống chuyển tải, liên thông giữa các hệ thống để tiết kiệm vốn đầu tư, thực hiện cấp nước an toàn, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần đưa hoạt động cấp nước nông thôn lên chuyên nghiệp.
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn huy động thực hiện các công trình nước sạch từ ngân sách hiện nay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc lồng ghép với các chương trình, dự án liên quan NS-VSMTNT (chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; vốn vay theo Quyết định 62 về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch; Quyết định 131 về chích sách ưu đãi đầu tư công trình nước sạch, vốn ODA…) cần kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong đó Nhà nước đã có một số chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các công trình cấp nước nông thôn. Có như vậy, việc thực hiện quy hoạch cấp NS-VSMTNT mới đáp ứng được yêu cầu và đạt mục tiêu đề ra.Theo báo Khánh Hòa