Trong những năm gần đây, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn kiểm soát rò rỉ mạng lưới cấp nước, trong đó có “Tiêu chuẩn kiểm soát rò rỉ và đánh giá mạng lưới đường ống cấp nước đô thị” và “Hướng dẫn quản lý đo lường mạng lưới đường ống cấp nước đô thị”. Tháng 2/2022, Tổng Văn phòng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn cùng với Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia đã phối hợp ban hành “Thông báo về việc tăng cường kiểm soát rò rỉ mạng lưới đường ống cấp nước công cộng”; trong đó xác định đến năm 2025 sẽ cải thiện các công trình mạng lưới đường ống cấp nước ở các đô thị và các quận, nâng cao mức độ kiểm soát áp lực của mạng lưới đường ống, tăng cường cơ chế khuyến khích, xây dựng và cải tạo, quản lý vận hành và bảo trì, thiết lập cơ chế lâu dài trong việc kiểm soát rò rỉ mạng lưới đường ống cấp nước.
Ứng dụng Zhihui Shuiwu (quản lý nước thông minh)
Nhằm đẩy mạnh thực hiện các yêu cầu trong Thông báo, các thành phố Quảng Châu, Thiệu Hưng, Ninh Ba và một số địa phương khác đã tăng cường công tác kiểm soát rò rỉ mạng lưới cấp nước công cộng, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và đảm bảo an toàn cấp nước thông qua biện pháp chuyển đổi mạng lưới đường ống cấp nước, thúc đẩy đo lường phân khu và thực hiện xây dựng thông minh.
Xây dựng hệ thống đo lường phân khu 4 cấp
Quản lý đo lường phân khu là phương pháp quản lý tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát rò rỉ của mạng lưới cấp nước. Thành phố Quảng Châu đã tiến hành thiết lập hệ thống đo lường và triển khai các biện pháp kiểm soát tập trung tại quận Hoàng Phố, từ đó giảm tỉ lệ rò rỉ của mạng lưới cấp nước công cộng xuống 7,41%.
Căn cứ vào quy mô và đặc điểm hiện tại của mạng lưới đường ống cấp nước trong quận, thành phố sẽ áp dụng lộ trình thực hiện kết hợp đo lường cả từ trên xuống và từ dưới lên; xây dựng hệ thống đo lường 4 cấp: tiểu khu cấp 1 – tiểu khu cấp 2 – tiểu khu cấp 3 (mạng lưới quản lý cấp nước) – tiểu khu cấp 4 (đơn vị cấp nước), và được thi công theo 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, sẽ tiến hành hoàn thiện tiểu khu cấp 2, thí điểm phân vùng cấp 3 và cấp 4. Triển khai lắp đặt 8 đồng hồ đo lưu lượng để chia tiểu khu cấp 1 của trung tâm quan trắc chất lượng nước quận Hoàng Phố thành 4 tiểu khu cấp 2, và xác định tiểu khu cấp 2 của khu vực Cửu Long là khu vực kiểm soát trọng điểm. Tiếp đến, lắp đặt 4 đồng hồ lưu lượng để chia tiểu khu cấp 2 khu vực Cửu Long thành 3 tiểu khu cấp 3 để kiểm soát chính xác việc rò rỉ. Trong năm 2021, có tổng cộng 30 đồng hồ thông minh cấp nước ngoài trời cho các đơn vị cấp nước được lắp đặt tại quận Hoàng Phố; 288 phân khu cấp 4 được thành lập để cung cấp dữ liệu hỗ trợ việc phân tích rò rỉ.
Trong giai đoạn thứ hai, tiểu khu cấp 3 và cấp 4 được hoàn thiện. 19 lưu lượng kế được lắp đặt, số lượng các tiểu khu cấp 3 tăng từ 4 lên 16. Thông qua việc hoàn thiện mối quan hệ logic giữa vị trí của các đối tượng và điều chỉnh cân bằng nước của từng tiểu khu, việc xếp hạng rò rỉ của các khu vực chính sẽ được thiết lập.
Chính quyền thành phố Quảng Châu cho biết, qua 2 giai đoạn, quận Hoàng Phố đã cơ bản xây dựng được hệ thống đo lường phân khu một cách rõ ràng. Kết hợp đồng thời với các biện pháp giám sát dòng chảy theo thời gian, phân tích dòng chảy tối thiểu vào ban đêm…, cơ chế dài hạn đã được hình thành nhằm kiểm soát rò rỉ mạng lưới đường ống cấp nước một cách hiệu quả.
Thúc đẩy chuyển đổi và xây dựng thông minh
Trong những năm gần đây, thành phố Thiệu Hưng đã tích cực tìm hiểu việc kiểm soát rò rỉ và quản lý mạng lưới cấp nước đô thị, hình thành cơ chế làm việc hiệu quả. Bắt đầu từ năm 2001, thành phố đã tiến hành khảo sát toàn diện mạng lưới đường ống, tăng cường xây dựng, giám sát và đánh giá hệ thống thông tin, từ đó đẩy mạnh việc kiểm soát rò rỉ mạng lưới đường ống cấp nước đô thị. Sau hơn 20 năm nỗ lực, tỉ lệ thất thoát nước của hệ thống cấp nước đô thị hiện được kiểm soát trong khoảng 3%.
Thành phố đã thiết lập một cơ chế cải tiến năng động thông qua việc thành lập các lớp đào tạo đặc biệt, sử dụng hệ thống thông tin địa lý và hệ thống định vị toàn cầu, đồng thời xây dựng bản đồ mạng lưới đường ống với độ bao phủ 100% và tỷ lệ chính xác là 98%, cung cấp hỗ trợ dữ liệu cho chuyển đổi và nâng cấp thông minh. Bên cạnh đó, thành phố tiến hành kết hợp đổi mới và xây dựng lại các tuyến đường trong đô thị và mạng lưới đường ống đô thị, cải tạo các đường ống có chất lượng kém và lâu năm. Việc lựa chọn vật liệu làm ống được kiểm soát chặt chẽ, từ đó tối ưu hóa kết cấu vật liệu đường ống, tăng cường quản lý chất lượng các công trình, dự án, hình thành nền tảng mạng lưới đường ống đô thị bền vững. Ngoài ra, thành phố cũng đã giải quyết vấn đề quản lý thông minh và kiểm soát nguồn cung cấp nước thông qua tăng cường chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, hệ thống quản lý và kiểm soát cấp nước thông minh được hình thành, giúp cải thiện mức độ hiệu quả trong cấp nước đô thị. Trong trường hợp xảy ra sự cố sụt, vỡ đường ống, nền tảng quản lý này sẽ hỗ trợ đóng van và ngắt nước trong phòng 30 phút. Chính quyền thành phố Thiệu Hưng cho biết, thành phố đã cung cấp hệ thống cơ sở khoa học để giám sát trực tuyến, phân tích chính xác và quản lý vấn đề rò rỉ mạng lưới đường ống thông qua thiết lập đo lường theo khu vực; nâng cao tính khoa học của việc lắp đặt các thiết bị thông minh thông qua tiến hành khảo sát khoa học hợp lý; xây dựng mô hình quản lý toàn bộ vòng đời của các công tơ, cải thiện độ chính xác của các phương pháp đo lường bằng cách tăng cường ứng dụng các công cụ đo lường IoT; các điểm giám sát áp suất, lưu lượng, chất lượng nước và máy ghi đo tiếng ồn với mật độ phù hợp tiêu chuẩn công nghiệp quốc gia được thiết lập trong khu vực thông qua xây dựng hệ thống cảm biến, từ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời khi cảnh báo rò rỉ; hình thành tư duy quản lý toàn diện, thông minh trong việc kiểm soát hoạt động các thiết bị của mạng lưới đường ống đô thị thông qua thiết lập nền tảng quản lý hoàn chỉnh dựa trên dữ diệu lớn, IoT, 5G... Trong quá trình vận hành, khi phát hiện rò rỉ cần sửa chữa khẩn cấp, các công nhân xây dựng có thể cập nhật cụ thể tình hình thông qua app “Zhihui Shuiwu” (quản lý nước thông minh) để kịp thời xử lý vấn đề.
Tăng cường quản lý bảo tồn nguồn nước
Do sự lạc hậu của công cụ quản lý mạng lưới cấp nước đô thị, tỷ lệ rò rỉ của hệ thống đường ống cấp nước của quận Tượng Sơn (thành phố Ninh Ba) lên đến 30%. Tháng 12/2020, quận Tượng Sơn đã thiết lập cơ sở và đội ngũ chuyên nghiệp để áp dụng mô hình dịch vụ kiểm soát nguồn nước theo hợp đồng, với sự nỗ lực về cả mặt công nghệ cũng như các biện pháp quản lý, đồng thời áp dụng các công cụ kỹ thuật số để kiểm soát sự cố rò rỉ của mạng lưới đường ống cấp nước.
Để giảm tỷ lệ rò rỉ của hệ thống cấp nước, quận Tượng Sơn tiến hành xây dựng hệ thống thông tin quản lý cấp nước tích hợp dữ liệu, vận hành theo thời gian như trạm bơm nước thô, hồ chứa, điểm đo – điều áp, điểm kiểm tra chất lượng nước... trên nền tảng lưu trữ dữ liệu, thông minh và tiêu chuẩn hóa việc hiển thị, cảnh báo, xử lý khi có sự cố trong quá trình sản xuất và cấp nước. Đồng thời, cơ chế GIS cũng được thiết lập nhằm cải thiện bản đồ thực tế mạng lưới cấp nước đô thị. Hệ thống giám sát áp suất và quản lý cảnh báo sớm được áp dụng để xác định điểm rò rỉ nước, đánh giá mức độ rò rỉ và rút ngắn thời gian rò rỉ. Ngoài ra, việc tái thiết mạng lưới đường ống cũ được tiến hành song song với việc cải tạo các tuyến đường đô thị cũ; việc tái thiết các đường ống cũ phải đạt 2% mỗi năm. Trong việc quản lý công tơ, chu trình kiểm tra trực tiếp được rút ngắn và tăng cường biện pháp giám sát từ xa qua nền tảng quản lý thông minh. Đối với việc điều tra và xử phạt vi phạm, một hệ thống báo cáo khen thưởng được xây dựng để khuyến khích cung cấp thông tin giúp điều tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Lưu Ly Viên
Trang Tin tức Xây dựng Trung Quốc tháng 5/2022
Biên dịch: Ngọc Anh
- Hà Nội: Sẽ thực hiện nhanh quy hoạch thoát nước, chống úng ngập (23/06/2022)
- Quy hoạch và khai thác không gian ngầm đô thị (23/06/2022)
- Trung Quốc áp dụng các biện pháp giảm thiểu carbon và vận hành – bảo trì thông minh các công trình xây dựng (22/06/2022)
- Tính sinh thái của bitum (15/06/2022)
- Trung Quốc không ngừng nâng cao mức độ tiết kiệm năng lượng của các công trình xanh (02/06/2022)
- Tận dụng nguồn nước tái chế để giải quyết nỗi lo thiếu nước sử dụng tại các đô thị (27/05/2022)
- Các đặc tính và ứng dụng của microsilica (23/05/2022)
- Tái chế chất thải nhựa (23/05/2022)
- Xây dựng xanh – yếu tố cải cách quan trọng để nâng cao tính bền vững môi trường (16/05/2022)
- Công nghệ kết nối các thành phố thông minh (16/05/2022)
- Cobiax - giải pháp xây dựng bền vững (11/05/2022)
- Bê tông độ bền mòn cao (09/05/2022)
- Trung Quốc xây dựng đô thị mới dựa trên BIM và CIM (09/05/2022)
- Copenhagen: cuộc sống mới của rác thải (06/05/2022)